Tiến trình tiến hóa của năng lượng mặt trời:
Sau nhiều thập kỷ phát triển và thử nghiệm, công nghệ năng lượng mặt trời (NLMT) quy mô lớn dần dần “tạo khuôn và hoàn thiện”. Một cuộc đấu giá năng lượng tái tạo gần đây ở Chile - dự án điện mặt trời tập trung Likana 390 MW đã được đấu thầu thành công, với giá bỏ thầu thấp nhất được ghi nhận ở mức 0,03399 USD/kWh. Tương lai, các dự án NLMT, hay pin PV quy mô lớn không chỉ xuất hiện tại Mỹ Latinh mà còn phủ sóng mọi miền thế giới.
Trong một tài liệu được công bố tháng 8/2021, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DoE) cho hay: NLMT quy mô lớn có thể sản xuất tới 45% nhu cầu điện của nước Mỹ theo kịch bản lưới điện Net Zero hoàn toàn vào năm 2050.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): NLMT có xu hướng bùng nổ ở Ấn Độ. Hiện tại chỉ chiếm 4% nguồn cung cấp điện của quốc gia, nhưng tương lai sẽ ‘được quy hoạch để tăng trưởng nhanh’, vì chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 450 GW công suất nguồn điện tái tạo. Những câu chuyện thành công này cho thấy NLMT quy mô lớn cuối cùng cũng sẽ trở nên khả thi, thậm chí là hấp dẫn.
Lý do NLMT sôi động là do ngành công nghiệp này ẩn chứa nhiều “động thái năng lượng tích, sớm giúp con người đạt mục tiêu Net Zero”. Trước đây, NLMT quy mô lớn ít được quan tâm do chi phí cao, hiệu quả thấp, chiếm dụng nhiều đất, nhưng nay công nghệ phát triển, cùng với những khuyến khích của chính phủ và nhận thức của người dân khiến nó hấp dẫn hơn, thách thức ban đầu dần dần được khắc phục.
Seb Henbest - nhà kinh tế trưởng ở BloombergNEF và là tác giả chính của báo cáo mang tên Triển vọng Năng lượng Mới (NEO) được công bố gần đây thấy: Sự chuyển đổi diễn ra hơn hai thập kỷ qua trong lĩnh vực NLMT, đặc biệt là các dự án quy mô lớn đang trở nên rõ nét hơn.
Báo cáo NEO cho rằng: Động lực để cho các dự án NLMT quy mô lớn phát triển là do chi phí xây dựng năng lượng tái tạo mới rẻ hơn so với vận hành các nhà máy than và khí đốt hiện có, như ở Trung Quốc, Ấn Độ và phần lớn lãnh thổ châu Âu.
Ngoài ra, hạ tầng cho xây dựng năng lượng tái tạo cũng giảm mạnh, cộng với kết quả vận động hành lang về khả năng giảm carbon của NLMT khiến dư luận ngày càng thêm ủng hộ.
Rào cản của các dự án NLMT quy mô lớn:
Để đạt được mục tiêu do DoE đề ra, Mỹ cần sản xuất NLMT hàng năm gấp đôi so với năm 2020 trong vòng bốn năm tới trước khi tăng gấp đôi sản lượng một lần nữa trong giai đoạn 2025 và 2030. Các dự án NLMT tiếp tục phát triển, ngay cả khi báo cáo của NEO nói rằng: Đầu tư phần lớn vẫn không thay đổi. Năm 2019, có tới 5 công viên NLMT hàng đầu ở Mỹ có công suất tổng hợp là 6,6 GW(ac) ra đời và đến nay công suất tăng vọt tới 12,5 GW.
Theo một báo cáo khác từ WoodMac (Tập đoàn năng lượng toàn cầu của Anh) và Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời (SAIA): Giống như hầu hết các ngành công nghiệp khác, trước mắt và ngắn hạn, ngành NLMT đang phải đối mặt với những thách thức về chi phí cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong quý 2 năm 2021, giá tăng ở mọi phân khúc thị trường NLMT, đây là lần đầu tiên xảy ra ít nhất kể từ năm 2014. Trong khi nhiều nhà phát triển NLMT có đủ hàng tồn kho cho các dự án năm 2021, thì họ vẫn phải đối mặt với chi phí tăng vào năm tới.
Còn theo David Dixon - nhà phân tích năng lượng tái tạo cao cấp tại Rystad Energy (Công ty nghiên cứu năng lượng độc lập có trụ sở chính tại Oslo, Na Uy), thì chi phí vận chuyển ngắn hạn và hàng hóa tăng đột biến trong 12 tháng qua cũng là nguyên nhân làm suy giảm tính kinh tế của các dự án NLMT quy mô lớn.
Rõ ràng, NLMT quy mô lớn là một yếu tố quan trọng của ngành năng lượng toàn cầu để khử cacbon. Theo báo cáo của NEO: Để lĩnh vực này đạt được các mục tiêu theo như Thỏa thuận Paris thì phải bổ sung tới 455 GW NLMT, gấp 3,2 lần công suất NLMT của năm 2020. Trong khi chi phí công nghệ đang giảm và các chính phủ đang tìm cách nới lỏng chính sách cho nhiều dự án NLMT, thì các vấn đề rào cản khác lại xuất hiện, đó là việc khó khăn ứng dụng công nghệ để thay thế công nghệ sử dụng nhiều carbon. Điều này không phải một sớm một chiều xong mà phải có thời gian nhất định.
Chưa hết, còn nhiều rào cản khác, đặc biệt là về sự lạc hậu của hệ thống lưới điện. Giá thỏa thuận mua điện thấp khiến nhiều quốc gia hướng tới việc xây dựng các dự án NLMT, điều này dẫn đến suy thoái lợi ích kinh tế do chi phí cao, doanh thu thấp. Thực tế cho thấy, khi năng lượng tái tạo gia tăng, giá điện bán buôn giảm theo thời gian, khiến doanh thu kém hấp dẫn hơn và hậu quả huy động vốn cho phát triển gặp nhiều khó khăn.
Ví dụ, để đảm bảo cho lĩnh vực NLMT phát triển, từ tháng 9/2021, Chính phủ Anh đã đưa ra mức giá FIT mới cho NLMT như một phần của quỹ 10 triệu bảng Anh. Đây là lần đầu tiên được đưa ra kể từ khi cắt giảm vào năm 2015.
Dan McGrail - Giám đốc điều hành của Tổ chức thương mại Renewable UK (Anh) cho hay: Kế hoạch trên sẽ tạo ra cho lĩnh vực tư nhân hơn 20 tỷ bảng Anh để thúc đẩy việc làm và chuỗi cung ứng năng lượng của Anh, đồng thời giảm hóa đơn năng lượng cho người dân và giúp Anh đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Giải pháp giúp lĩnh vực NLMT quy mô lớn phát triển:
Theo phân tích của Rystad Energy: Điện mặt trời ở các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đang phải đối mặt với tình trạng bế tắc khi sản lượng điện bắt đầu vượt quá tỷ lệ 10% cơ cấu. Để giải quyết ách tắc này, mạng lưới điện APAC cần được kết nối với nhau tốt hơn và có khả năng phát điện linh hoạt giống như lưới điện ở châu Âu. Điều này đồng nghĩa, nó có thể tiếp nhận NLMT và gió nhiều hơn, nên việc nâng cấp cơ sở hạ tầng lưới điện là điều quan trọng nhất.
Các hệ thống lưới điện có lượng than thâm nhập cao, như ở hầu hết các khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì việc dung nạp năng lượng mặt trời PV ít hơn do thiếu tính linh hoạt tích hợp. Trường hợp này từng thấy ở Ấn Độ, quốc gia phụ thuộc gần 70% vào nguồn điện than. Vì lý do này, các chính phủ cần tập trung vào nâng cấp hệ thống truyền tải điện xuyên quốc gia và nội địa để thu nạp hết nguồn năng lượng từ các dự án năng lượng tạo ra hay đến các khu vực có nhiều nguồn năng lượng mặt trời.
Dựa trên những phân tích trên cho thấy, cơ hội cho các dự án NLMT quy mô lớn là khá rõ ràng, đặc biệt là ở các quốc gia có tiềm năng như: Bắc và Nam Mỹ, APAC, Ấn Độ và châu Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha và Hy Lạp... Để các dự án NLMT quy mô lớn “đạt đỉnh” thì cần phải có thời gian nhất định.
Điện mặt trời quy mô lớn - nhìn về Việt Nam:
Theo trang tin Esolars.vn: Điện mặt trời ở Việt Nam thuộc nhóm công nghiệp năng lượng mới nổi, nhập cuộc theo đà phát triển nguồn năng lượng tái tạo chung của thế giới, và sự hội tụ của lĩnh vực khoa học kỹ thuật. NLMT phát triển còn là giải pháp dự phòng khi các nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, một số thủy điện nhỏ lại không đảm bảo lợi ích mang lại so với thiệt hại môi trường mà nó gây ra.
Phải nói ngay rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn về NLMT, do ở gần xích đạo và tồn tại những vùng khô nắng nhiều như các tỉnh Nam Trung bộ. Vì thế, điện mặt trời cùng với điện gió đang được Chính phủ quan tâm khuyến khích. Điều này đã được đề cập trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhờ những ưu đãi về đầu tư xây dựng và giá bán điện cao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ biểu giá FIT của Chính phủ, đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì thế, tuy chỉ bắt đầu xây dựng nhà máy điện mặt trời từ năm 2015, đến giữa năm 2019 Việt Nam đã có hàng trăm dự án NLMT được ra đời. Chỉ trong chưa đầy hai năm (từ 2019 đến 2020), tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời ở Việt Nam từ con số 0 đến đứng đầu Đông Nam Á.
Việt Nam có một số dự án điện mặt công suất lớn như: Hồng Phong 1, Tuy Phong, Phong Phú (Bình Thuận), Dầu Tiếng 1 và 2 (Tây Ninh), Trung Nam - Thuận Nam 450 MW (Ninh Thuận) gồm 1,4 triệu tấm panel PV cùng với trạm 500 kV và các đường dây 500 và 220 kV, Phong Điền (Huế), Hòa Hội (Phú Yên), Sông Giang (Khánh Hòa), Thiên Tân (Mộ Đức, Quảng Ngãi)... Gần đây là Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp (giai đoạn 1) có công suất 600 MWac (831 MWp), tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, điện lượng 1,5 tỷ kWh/năm. Với gần 2 triệu tấm panel PV, trạm biến áp 500 kV - 1.200 MVA và 22,2 km đường dây 500 kV.
Với việc ra đời các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn, nó không chỉ cung cấp điện năng cho đất nước mà còn góp phần bảo vệ môi trường, chống lại biến đội khí hậu và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia năng lượng: Cũng như thế giới, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Chẳng hạn như đầu tư quá công suất dẫn tới nhiều nhà máy không bán hết điện. Hay quy hoạch, xây dựng mạng lưới điện chưa kịp với thực tế, chưa tính hết các yếu tố tác động như tiêu thụ, truyền tải, phân phối, hay yếu tố khách quan “bất khả kháng” như dịch bệnh, thiên tai khiến ngành NLMT còn hạn chế về hiệu quả kinh tế./.